27/05/2025
Nghiên cứu mô hình du lịch cộng đồng gắn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố
Chiều 26/5, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội đồng tư vấn, thẩm định, đánh giá phê duyệt thuyết minh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố “Nghiên cứu mô hình du lịch cộng đồng gắn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hải Phòng”. Đề tài do Thạc sĩ Hoàng Khắc Lịch - Trung tâm Dữ liệu và Phân tích Kinh tế - Xã hội (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) chủ nhiệm.

Quang cảnh Hội nghị.
Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, đánh giá tiềm năng, hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng nhằm xây dựng và thí điểm các giải pháp phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống và tiêu thụ sản phẩm OCOP phù hợp với điều kiện cụ thể tại Hải Phòng.
Nhóm nghiên cứu dự kiến thực hiện nhiệm vụ trong 24 tháng với các nội dung chủ yếu sau: Cơ sở khoa học và thực tiễn về phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tiêu thụ sản phẩm; Đánh giá tiềm năng, hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng; Giải pháp phát triển; Đề xuất các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tiệu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Đại diện cơ quan chủ trì nhiệm vụ phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phạm Thị Sen Quỳnh, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng tư vấn nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ này trong bối cảnh thành phố Hải Phòng đang tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc địa phương mà còn mở ra hướng đi bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng đánh giá cao tính cấp thiết và khả năng ứng dụng thực tiễn của nhiệm vụ. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai và giá trị ứng dụng của đề tài, Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục bổ sung, làm rõ một số nội dung trọng tâm. Cụ thể là bổ sung lý do lựa chọn hai nhóm sản phẩm OCOP là thực phẩm và thủ công mỹ nghệ, cũng như đánh giá tính đại diện và mức độ phù hợp của các nhóm ngành hàng này trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng; Bổ sung luận cứ cụ thể cho việc lựa chọn ba địa phương thí điểm là Đồ Sơn, An Lão và Cát Hải; Việc xác định phạm vi, địa điểm nghiên cứu cần được rà soát lại cho phù hợp với thực tiễn mới, đồng thời đảm bảo tính đại diện, khả năng mở rộng và hiệu quả lan tỏa của mô hình.
Hội đồng cũng lưu ý nhóm nghiên cứu làm việc triển khai các hoạt động truyền thông như xây dựng fanpage quảng bá mô hình; Định hướng xu hướng du lịch trong tương lai; Phương pháp quảng bá, gia tăng giá trị sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu địa phương.
Về mặt học thuật và lý luận, đề tài cần làm rõ nội hàm khái niệm văn hóa truyền thống, văn hóa cộng đồng; Vai trò và mức độ tham gia của cộng đồng dân cư trong toàn bộ quá trình triển khai mô hình; Bổ sung các công trình nghiên cứu có liên quan, cũng như hệ thống căn cứ pháp lý hiện hành làm nền tảng cho việc xây dựng và vận hành mô hình, đồng thời cần chú thích rõ nguồn tài liệu tham khảo.
Sau khi chỉnh sửa theo các ý kiến góp ý của Hội đồng, thuyết minh dự án sẽ được gửi về Sở KH&CN tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt để triển khai thực hiện./.
Chiêu Minh
Admin